ĐƯỜNG

 

Cuộc đời  Đức Giê-su để lại trần gian rất ít dấu vết hiện vật. Ngài không xây đền thờ, không chiếm cứ thành nào và cũng không in tiền. Cũng không có văn bản của một tác giả cổ điển nào đề cập xa gần tới Ngài, nhiều như trong các tài liệu Tin Mừng Tân Ước. Các tài liệu này lên tới hàng ngàn văn bản, và văn bản xưa nhất chỉ được viết sau thời Ngài vài ba chục năm.

Chúng ta đã nói chuyện về khoa phê bình lịch sử, khoa này tỏ ra hoài nghi về cuộc đời và sứ điệp của Đức Ki-tô. Họ bảo rằng, không rõ Ngài sinh ra ở đâu vào thời điểm nào, không hiểu bài giảng trên núi thật có cấu trúc và nội dung như hiện nay không. Những nhà nghiên cứu mới đây còn cho rằng, có lẽ Ngài đã không tự xưng mình là Messias. Họ bảo, lúc đó là cao điểm của những trông chờ tận thế, nên nhiều điều liên quan tới Ngài có thể giải thích được theo hướng đó. Tôi muốn đào sâu điểm này: Khoa nghiên cứu phê bình như vậy là sai với lịch sử, và đặc biệt có hại cho đức tin?

Khoa phê bình lịch sử quả đã có những thành tựu lớn. Nó giúp ta hiểu nhiều chuyện chính xác hơn. Nhưng nó cũng có những giới hạn, nhất là khi nó nghiên cứu loại tài liệu như của Kinh Thánh. Lối nghiên cứu đó nhằm khai quật quá khứ qua các bản văn nói chung và trong điều kiện những quy luật chung về lịch sử. Nhưng những biến cố trình thuật trong các Tin Mừng không nằm trong những quy luật chung đó, và như vậy chúng chống lại việc tổng quát hoá thiếu sót của phương pháp nghiên cứu này.

Với thời gian, người ta đã cố gắng đào bới lên và phân biệt những nguồn gốc khác nhau trong các bản văn; đây cũng là điểm quan trọng. Nhưng tổng quát mà nói, đó cũng chỉ là những lối thử luôn thay đổi, và giá trị nội dung xác xuất của chúng bị giới hạn. Nhất là, với câu hỏi ai là người làm ra Tin Mừng, thì trả lời của họ lại tạo ra những nghi vấn lớn hơn là nếu như ta, một cách chung, chấp nhận các bản văn đó trong toàn bộ của chúng là đáng tin và có tính lịch sử. Bởi vì nếu không như thế, thì ta phải chấp nhận rằng, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn của thời đại đó đã xẩy ra một kho khám phá kinh khủng về những chuyện thần kì. Làm sao bản văn Tin Mừng có thể được chấp nhận nhanh như thế? Ai là những tác giả đã có thể phổ biến bản văn đó ra thế giới? Tại sao các bản văn đó lại có một hình dung nhất thống về Giáo Hội - tất cả những điều đó đã không có trả lời.

Thế thì câu trả lời ở đâu?

Bản văn Tin Mừng có đặc điểm riêng của nó, điểm này cần phải coi trọng. Toàn bộ các bản văn phản chiếu một thực tại hoàn toàn đi ra ngoài khung lịch sử bình thường. Thực tại đó phù hợp với chính nó, và vì thế trước sau nó đáng cho ta tin tưởng vào tổng thể của nó.

Ta phải nói thêm, chẳng có một phương pháp phê bình lịch sử, mà cũng chẳng có những kết quả cụ thể. Có những nhà khoa học trước sau vẫn rất tin vào bản văn và cũng đưa ra những lí chứng khách quan về mặt phương pháp. Và cũng có những người vứt bỏ tất cả - nhưng họ lại phải nghĩ ra những lí do để giải thích tại sao toàn bộ câu chuyện đã xẩy ra như thế. Họ hoàn toàn lần mò trong bóng tối, và vì không tìm ra nguồn nào cả, nên nỗ lực của họ lại thành ra tưởng tượng.

Ta hãy nhìn kĩ hơn chút nữa các tác giả Tin Mừng. Trước hết là Mát-thêu. Ngài mang một tên kép, chuyện hơi lạ vào thời đó: Matthaj-Levi, người thu thuế hay để tiền thuế rơi vào túi riêng mình và là người cộng tác với chính quyền Rô-ma. Tin Mừng viết về ngài: „Và khi  Đức Giê-su đang ăn tại nhà ông, có nhiều người thu thuế và người tội lỗi tới với Ngài và với các môn đệ Ngài“. Mat-thêu như vậy chẳng phải là người thật thà và đáng cậy.

Có lẽ ta phải đi sâu vào nguồn tài liệu. Trước đây, Tin Mừng Mat-thêu được coi là bản Tin Mừng cổ nhất. Một nhà văn vào thế kỷthứ hai sau công nguyên, Papias, ghi chú rằng, Mat-thêu viết nó bằng tiếng Do-thái (Hebräisch), sau đó bản văn được dịch ra tiếng Hi-lạp. Nhờ thông tin phong phú, kết cấu nội dung và tính cách dễ đọc của nó, bản văn đã trở thành Sách Tin Mừng của Giáo Hội, được mọi người trích dẫn. Sau đó thêm vào Lu-ca và Mac-cô, nhưng Mat-thêu vẫn là bản xưa nhất, có giá trị nhất, được Giáo Hội dùng nhiều nhất trong phụng vụ và đức tin.

Theo các kết quả nghiên cứu, nội dung văn bản của ba vị Mat-thêu, Lu-ca, Mac-cô quyện lẫn và lệ thuộc vào nhau. Tại sao có chuyện này, câu hỏi chỉ được đặt ra mới đây. Ngày nay, một phần lớn các nhà phê bình cho rằng, không thể quy cho tông đồ Mat-thêu viết bản đó được, bởi vì bản văn có niên đại trễ hơn, nó được viết vào khoảng cuối thế kỷthứ nhất trong một công đồng do-thái ở Siri.

Nói chung, việc hình thành các bản văn Tin Mừng diễn ra trong một quá trình phức tạp. Trước hết, người ta thu thập các lời truyền miệng của  Đức Giê-su rồi sau đó chép ra. Nhà chú giải vừa mới mất ở Erfurt, giáo sư Heinz Schürmann, lập luận rằng, việc ghi nhớ bằng miệng những lời của  Đức Giê-su đã được các tông đồ thực hiện từ lúc Ngài còn sống. Nghĩa là, khởi đầu chỉ có những lời truyền miệng. Bên cạnh những lời đó, còn có những lời truyền về các biến cố, về truyền thống địa phương và những thứ khác. Chủ thể của việc lưu truyền không phải là những cá nhân, mà là các cộng đoàn tín hữu, và qua họ là cả Giáo Hội. Rồi đến việc ghi chép ra. Lúc đó, các nhà viết Tin Mừng đã có sẵn một kho lưu truyền phong phú, họ dựa chủ yếu trên đó mà chép, ngoài ra mỗi người còn thêm vào những viễn kiến thần học riêng của mình. Ngày nay, người ta cho rằng bản Tin Mừng Mac-cô là bản cổ nhất, chứ không phải là bản Mat-thêu. Mat-thêu và Luca đã viết dựa chủ yếu trên nền của Mac-cô và làm giàu thêm bởi những nguồn tài liệu sẵn có khác. Tin Mừng Gio-an có một gốc và khuôn hình thành hoàn toàn riêng. Không phải chỉ có một người viết ra ba bản Tin Mừng đầu tiên, đó là điểm quan trọng. Và cũng quan trọng là toàn bộ quá trình lưu truyền về đức tin của Giáo Hội, ngay từ đầu, đã được gói trọn trong các Tin Mừng đó, và quá trình lưu truyền đó sau này rốt cuộc đã được viết ra.

Vấn đề ai là người viết, như thế, trên một bình diện nào đó, thuộc vào hàng thứ yếu. Phong cách riêng của Lu-ca được nhận diện rất rõ, ngài là tác giả của bản Tin Mừng thứ ba và của sách Công-vụ Tông-đồ, điều này không ai chối cãi. Mac-cô, học-trò của Phê-rô, cũng cho thấy rõ phong cách là người viết Tin Mừng của mình. Ngày nay chỉ còn không rõ ai là tác giả của Tin Mừng Mat-thêu. Quan trọng là ngay từ đầu chỉ có những truyền miệng, đó là thói quen rất thường thấy ở phương đông. Điều này là một biểu chứng cho sự gần gũi với nguồn gốc lịch sử. Nội dung Tin Mừng chép lại từ kho truyền miệng đó đã kinh qua một quá trình kiểm tra của cộng đoàn (có đôi chút thêm thắt sửa đổi tùy theo cộng đoàn nhận bản văn, nhưng nội dung chính thì vẫn được giữ nguyên).

Còn về con người Matthaj-Levi, anh chỉ đề cập tới quá khứ của ngài mà thôi. Sau cuộc gặp  Đức Giê-su, Mat-thêu đã trở thành một con người khác. Ngài đã bỏ đường cũ mà bước theo con đường  Đức Giê-su. Qua cuộc sống cộng đoàn với anh em tông đồ, với  Đấng Phục Sinh, và qua công tác truyền giáo, ngài đã tỏ ra là một con người thật sự „đổi mới“, và như vậy là một người đáng tin, đáng cậy.

Tác giả Tin Mừng Lu-ca là một thầy thuốc. Điều quan trọng nhất của ngài là muốn cho người đọc nhận ra vai trò cứu thế, vai trò cứu độ thân xác và tâm hồn của  Đức Giê-su. Với ngài,  Đức Giê-su là người thâm cảm và có lòng thương đặc biệt đối với thành phần bên rìa xã hội.

Nhưng ta hãy nói về Tin Mừng Gio-an. Ngài bảo Tin Mừng này được đổ từ một khuôn riêng. Dù sao, Tin Mừng này mang nét thâm trầm hoàn toàn khác. Các Tin Mừng nhất lãm (Mat-thêu, Lu-ca, Mac-cô) cho thấy nhiều về Con Người; còn Tin Mừng Gio-an tỏ ra như là một cuộc đối đáp với các nhà thông thái – và nhất là nó cho thấy toàn bộ vinh quang của Con Thiên Chúa. Tôi nghĩ đây là bản Tin Mừng mà Hồng Y ưa nhất.

Tôi rất thích bản đó, nhưng phải nói ngay, tôi cũng rất ưa bản của Lu-ca. Trong đó ta có được những dụ ngôn tuyệt vời về anh nhà nghèo La-da-rô, về người Sa-ma-ri-ta, về đứa con đi hoang. Ngài là một nhà văn lớn, trong sách ngài chứa những “hạt ngọc” đặc biệt. Cả câu chuyện về cuộc đời niên thiếu của  Đức Giê-su cũng tuyệt. Mỗi tác giả Tin Mừng có một nét riêng. Phải nói, tôi đặc biệt yêu Lu-ca qua nét nhân bản thâm sâu, đồng thời cũng là chân trời mở ra đời đời của ngài. Với tôi, tập hợp các bản nhất lãm là một nét đẹp không thể thay thế được, chính bởi vì chúng không mang nét riêng tư, nhưng qua đó ta cảm được sự truyền thừa sống động trong Giáo Hội, truyền thừa đó dần dần đã được đúc kết lại trong một bản văn liên kết với nhau. Nhưng sách Gio-an quả có một chiều sâu vời vợi, nó luôn làm cho tôi say mê.

Đôi khi câu chuyện về  Đức Giê-su mang nét hư cấu. Chẳng hạn, Ngài bám chặt vào các bí số của Cựu Ước. Ngài ở trong sa mạc 40 ngày, làm đúng 7 phép lạ, kể ra 12 dụ ngôn, đặt 12 tông đồ…

Tất cả các Tin Mừng đều nói tới 12 tông đồ. Điều này chẳng có gì lạ. Nếu  Đức Giê-su quả thật muốn xây dựng một Is-ra-en mới, nếu Ngài coi mình là người của Thiên Chúa phái đến để làm mới Is-ra-en và mang ánh sáng cho mọi dân tộc, thì việc Ngài lấy lại biểu tượng 12 chi-họ Is-ra-en thông qua việc đặt 12 ông tổ mới là chuyện thường tình, làm như thế là Ngài muốn dùng một cử chỉ biểu trưng để diễn tả bước đầu của một Is-ra-en mới.

40 ngày hoang địa lập lại hình ảnh 40 năm của dân Is-ra-en trong sa mạc. Còn con số về dụ ngôn và phép lạ thì mỗi Tin Mừng mỗi khác.

Dù vậy, Tin Mừng luôn mang tính giáo huấn. Có nhiều đoạn xem ra là những hoạt cảnh thêm thắt, dùng để dấy động hoặc tuyên truyền.

Vâng, chúng là bài giáo huấn, mà cũng là chứng từ. Chính Gio-an bảo, ngài viết ra để làm chứng. Đó là nguyên tắc nền tảng khi ta đọc Tin Mừng. Tin Mừng muốn diễn tả chính  Đức Giê-su, qua lời Ngài nói, việc Ngài làm, khổ đau Ngài chịu. Tin Mừng không chỉ muốn huấn giáo, mà còn muốn tạo gặp gỡ với một biến cố, biến cố đó cũng mang nội dung tinh thần và cung cấp kiến thức. Tin Mừng vừa nói với con tim và trí óc.